#3 Sáu thói quen và tư duy đã thay đổi mình trong năm 2024 (P2)
Phần còn lại từ báo cáo tổng kết cuối năm của bản thân
Chào bạn,
Lại một tuần nữa vừa trôi qua, sắp hết năm thật rồi, bạn cảm thấy thế nào?
Mình là Ly, đang học viết trên Substack và các dạng nội dung mình viết sẽ bao gồm kiến thức, tư duy, trải nghiệm về digital marketing, tự học và phát triển bản thân. Nếu bạn mới biết đến mình thì có thể đọc kĩ bức thứ đầu tiên nhé!
Nối tiếp tuần trước, bức thư lần này sẽ tiếp tục phần nhìn lại bản thân mình trong năm nay, đây là cột mốc để mình triển khai kế hoạch bản thân trong năm 2025 và mình sẵn sàng chia sẻ cùng bạn trong các bức thư tiếp theo rồi.
Trước khi vào phần nội dung chính, mình muốn cập nhật một chút về hành trình học viết của bản thân.
Đây là tuần thứ 3 kể từ lúc mình gửi bức thư đầu tiên, mình cũng đã viết xong phần About, sắp xếp layout chỉn chu cho trang Substack cá nhân này. Đến hiện tại, mình vẫn cảm thấy thật thỏa mãn với những gì vừa làm được tại đây:
Mình được tự do viết những gì mình suy nghĩ, sắp xếp được tất cả ý ngang dọc trong đầu mình thành những bức thư chỉn chu, hệ thống.
Mình được gợi nhớ về các cảm xúc của quá khứ mỗi lần viết và đọc lại từng bức thư.
Mình được bạn ở đây ủng hộ, đồng cảm bằng cách gửi lời nhắn, bình luận chân thật và điều đó đã cổ vũ mình tiếp tục chia sẻ, cảm ơn bạn nhiều lắm.
Mặc dù mỗi lần tiến hành viết, mình vẫn còn cảm giác hơi áp lực, có gánh nặng phải thể hiện câu chữ, ý nghĩa một cách dễ hiểu, dễ đọc hay hiện tại ý tưởng viết của mình vẫn chưa nhiều.
Nhưng mình tin rằng, chỉ cần mình thể hiện bản thân chân thực qua từng câu chữ với tất cả những gì mình đã, đang và sẽ có. Mình vẫn thu hút được nhiều người như bạn, đồng cảm và tin tưởng vào các câu chuyện mình kể, hơn nữa là mình có thể hỗ trợ và đồng hành cùng bạn qua nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống.
Trở về với Báo cáo tổng kết bản thân trong năm 2024, bức thư này mình sẽ viết tiếp:
Những tư duy và thói quen đã thay đổi mình trong năm nay
Đạt được cột mốc nhỏ có ý nghĩa hơn kết quả cuối cùng (bức thứ tuần này)
Xây dựng Linkedin cho công việc (bức thứ tuần này)
Lập kế hoạch theo tuần - tháng - năm (bức thứ tuần này)
Điều mình rút ra sau khi tổng kết về bản thân trong 01 năm (bức thứ tuần này)
Nhắn nhủ lại nè: Tất cả những điều mình viết dưới đây là do chính mình đúc rút ra được sau khi tự trải nghiệm, điều chỉnh và thực hành liên tục theo kế hoạch cá nhân từ năm ngoái. Có thể có ý đúng với bạn nhưng lại chưa hợp lí ở chỗ khác, nên hãy cứ đọc để tham khảo theo góc nhìn và trải nghiệm cá nhân thôi nhé.
06 tư duy và thói quen đã thay đổi mình trong năm 2024
4. Đạt được cột mốc nhỏ có ý nghĩa hơn kết quả cuối cùng
Từ hồi còn bé, mình đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi định hướng và mục tiêu từ bố mẹ mình, như việc phải thi đỗ được trường A trường B cho đến việc học ngành C ngành D ngay từ hồi cấp 1.
Đối với hình dung lúc đó, mục tiêu lớn nhất của mình phải là đạt được đúng kì vọng của bố mẹ. Còn việc mình học như thế nào, đạt được thành tựu gì trên hành trình thì không quan trọng bằng việc mình có đạt được kết quả cuối cùng hay không.
Điều này cũng tác động đến tư duy của mình khi bắt đầu học Đại học và đi làm các năm đầu. Dù không còn áp lực từ xung quanh nhiều như hồi bé nhưng mình vẫn tự áp lực bản thân với các kết quả phải đạt được. Ví dụ, mình phải thi bằng được điểm A ở một môn học hay đạt được KPIs 100% ở một task cụ thể.
Mặt tươi sáng của việc hết mình vì kết quả cuối cùng như vậy đó là mình luôn được đánh giá cao ở tất cả nhiệm vụ được giao. Mọi người sẽ luôn thấy mình có mặt ở bất kì đâu khi sự kiện bất kì diễn ra, chủ động nhận thêm những công việc khác, nói ngắn gọn là một chú ong cống hiến hết mình.
Nhưng mặt tối hơn thì sao? Đó là những ngày mất ăn mất ngủ lo lắng kết quả không đúng với những gì mình mong đợi, có cả những giọt nước mắt rơi trên bàn làm việc hay lúc đi làm về vì kết quả không bõ công sức bỏ ra hay cả những lời trách móc bản thân khi mắc lỗi trong quá trình làm việc.
Có thể đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ đây là những tình huống rất bình thường trong cuộc sống, có cống hiến thì phải có đánh đổi, có kì vọng thì phải chấp nhận thất vọng. Đúng, mình hoàn toàn đồng ý với điều đó.
Tuy nhiên, khi mình dừng lại và tưởng tượng tình huống đó kéo dài thêm một thời gian nữa, mình thấy bản thân không phù hợp. Mình không thích cảm giác ra khỏi nhà với những lưỡi dao đang chờ đợi để rơi xuống bất kì lúc nào. Mình cũng sợ không kiểm soát được tinh thần và cảm xúc của chính mình. Nên mình quyết định phải thay đổi.
Cách mình thử nghiệm
Mình đã sử dụng 02 phương pháp kết hợp (do chính bản thân mình rút ra):
Ví dụ cụ thể:
Trong công việc, mình chịu trách nhiệm việc “ra số” = đạt doanh thu X sau một giai đoạn. Nếu chỉ nhìn vào con số X như lúc trước, mình dễ dàng bị căng thẳng và lao đầu vào tìm cách đạt được con số đó, không tính toán cẩn thận.
Còn bây giờ, mình sẽ tìm cách chia nhỏ con số X ra thành nhiều hướng, có thể là từng mốc thời gian với các con số X1, X2 nhỏ hơn. Mình còn chuẩn bị tới các tình huống khi mà kết quả cuối cùng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài hay không đạt được như kì vọng. Nhờ đó, mình ổn định được tinh thần nếu đến hạn thời gian.
Trong cuộc sống, mình áp dụng cho mục tiêu cá nhân cả năm, cụ thể là việc đọc ít nhất 05 cuốn sách dài. Như đã chia sẻ ở bức thư trước, mình đã từng rất ngại đọc các nội dung dài quá nhiều chữ và để tạo động lực, mình chia mục tiêu lớn thành mục tiêu nhỏ hơn là “đọc 10 trang sách mỗi ngày” hay “dành 15 phút mỗi ngày để đọc sách”.
Tại sao điều này phù hợp với mình hơn?
Khi chuyển sang cách suy nghĩ này, mình không còn chỉ chạy theo các mục tiêu xa xôi mà dời trọng tâm sang con đường mình đang đi.
Mình thấy vui hơn khi mỗi ngày hoàn thành 01 chương sách, mình phấn khích khi kết quả công việc có tiến triển nhỏ nhưng vẫn bình tĩnh để xử lí khi có vấn đề xảy ra.
Giống như câu nói “enjoy the little things", mình được tận hưởng tất cả khoảnh khắc nhỏ mình đang có. Mình hiểu tại sao mình làm điều đó, bài học mình rút ra là gì, mình sẽ làm gì tiếp theo. Mình an nhiên và tự tại hơn với cuộc sống này.
5. Xây dựng Linkedin cho công việc
Đây là một trong những thay đổi lớn nhất của mình trong năm nay.
Có lẽ mình từng giống suy nghĩ một vài bạn ngoài kia, đó là nhìn nhận Linkedin là một nền tảng dùng để “flex”.
Mình là kiểu người không thích so sánh bản thân với những người xung quanh, mình càng không thích đọc các nội dung chỉ nhấn mạnh về thành tựu hay tài sản cá nhân.
Đối với mình lúc đó, Linkedin dành cho những người đã có nhiều thành tựu trong công việc, lên đó là để thể hiện bản thân và các quan điểm quá xã giao.
Nhưng nhờ các bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của Linkedin trong công việc chuyên môn của chị
, mình đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về nền tảng này. Bạn có thể đọc thêm ở đây nhé:Từ cuối năm 2023, mình chính thức mở tài khoản công việc đầu tiên trên Linkedin và mình tự đặt yêu cầu cho bản thân trong năm nay đó là:
Follow hoặc connect ít nhất 05 profile chất lượng* mỗi tuần (*chất lượng với mình là các chuyên gia, người có kiến thức phù hợp về Digital Marketing/Ecommerce/D2C/Branding hoặc các HR của công ty mình chú ý).
Tập thói quen dành 30p hàng ngày để đọc nội dung về chuyên môn, kiến thức, kĩ năng công việc và thị trường trên Linkedin.
Chủ động đăng tải các nội dung cập nhật kĩ năng, công việc cá nhân qua việc tự học.
Sau gần 01 năm, mình đã đạt được gì:
01 nguồn học tập chất lượng với các nội dung tập trung về công việc mình đang làm hàng ngày: thị trường gần đây có gì mới, các Marketer giống mình đang sử dụng tool gì, các ý tưởng nào đang được sử dụng nhiều…
Nhiều lời mời hợp tác làm việc dù mình không hề mở “Open to work”:
Mình không có Linkedin mấy nghìn followers, mình cũng không khoe khoang thành tích của bản thân để thu hút sự chú ý.
Điều khiến mình dần yêu thích nền tảng này và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ cũ đó là hầu như tất cả cá nhân tham gia đều có mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, cùng trao đổi và giúp đỡ nhau phát triển.
Trong thời gian tới, mình đang suy nghĩ đến việc viết nội dung về chuyên môn thường xuyên trên Linkedin và chủ động kết nối tới nhiều anh chị cùng ngành hơn nữa.
6. Lập kế hoạch theo tuần - tháng - năm
Đến phần này thì khá quen thuộc với bạn rồi, vì từ lúc đi học thì ai cũng ít nhất 01 lần phải lên kế hoạch xem ngày mai mình học gì, tuần này mình cần làm gì…
Nhưng mình muốn nhấn mạnh đến việc tạo thói quen, duy trì việc lập kế hoạch đó đều đặn chứ không phải có việc quan trọng mới nhanh chóng mở sổ ra ghi, mở lịch ra đánh dấu. Thật trộm vía là trong năm nay mình đã duy trì thói quen này thành công rồi.
Cách mình làm đó là:
Bắt buộc có 01 công cụ hỗ trợ nhắc nhở và đánh dấu các nhiệm vụ cần hoàn thành. Mình đã thử qua Google Calendar, Notion, Todoist và hiện tại đang sử dụng Quire.
Đặt lịch cố định (cài vào lịch trình) để dành thời gian sắp xếp kế hoạch cá nhân. Mình dành 1-2h tối Chủ nhật hàng tuần, ngày cuối cùng của mỗi tháng và tháng cuối cùng của mỗi năm để bản thân tự nhìn lại công việc đã làm và lên mục tiêu, kế hoạch cho thời gian tới.
Ưu tiên 1-2 công việc quan trọng nhất cần phải hoàn thành trong tuần đó, mỗi công việc sẽ chia nhỏ thành nhiều task để hoàn thiện mỗi ngày, xong ngày nào đánh dấu ngày đó.
Với các công việc định kì như họp hành, học tập mà lặp lại thường xuyên thì nên tìm các tính năng có thể set lặp lại.
…
Còn rất nhiều lưu ý nhỏ mình muốn chia sẻ mà thấy số lượng từ đã khá nhiều nên mình sẽ viết chi tiết hơn Cách mình quản lí thời gian và nhiệm vụ bằng việc lên kế hoạch định kì như thế nào ở các bức thư sau nhé.
Điều mình rút ra sau khi tổng kết về bản thân trong 01 năm
Sau khi viết ra được hết hành trình thay đổi bản thân từ những khoảnh khắc hàng ngày như vậy, mình nhận ra rằng:
Chúng ta sẽ thay đổi và thay đổi đơn giản hơn chúng ta nghĩ: Mình đã từng có thiên kiến, thói quen riêng duy trì trong thời gian dài, chịu ảnh hưởng từ môi trường và gia đình xung quanh. Nhưng mình vẫn thay đổi được nó một cách hoàn toàn tự nhiên.
Trước khi tạo dựng thói quen mới, hãy tìm ra lý do tại sao mình phải làm vậy: Giống như lý thuyết Golden Circle (Vòng Tròn Vàng) của Simon Sinek, chữ Why là trọng tâm trong bất kì vấn đề nào và cần được giải đáp đầu tiên.
Nội dung bạn đọc, người bạn theo dõi, sếp bạn đang đồng hành ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi của bạn: Mình thấy thật may mắn vì đã gặp được những mối quan hệ chất lượng, chọn được nguồn tiếp nhận phù hợp để lần lượt tạo ra ảnh hưởng cho bản thân mình từ sâu bên trong.
Tóm lại
Mình đã hoàn thành xong Báo cáo tổng kết về chính bản thân mình qua 02 bức thư lần này. Mình tin rằng những điều mình đã thay đổi trong năm nay sẽ là nền tảng để mình cải thiện và phát triển bản thân hơn nữa trong các năm sau.
Cảm ơn bạn đã đọc hết đến đây.
Ly Bui
Hình ảnh thumbnail của Hanifi Sarıkaya @Pexels
Đọc/nghe thêm về Lý thuyết Golden Circle (chia sẻ bởi Dave Chaffey), Kinh nghiệm dùng LinkedIn (chia sẻ bởi chị Vân Anh)
Em thấy c có đề cập đến việc xây dựng Linkedin cho công việc thì không biết c có thể viết thêm 1 bài riêng chia sẻ về quá trình này không ạ? Kh nhất thiết phải là tip hay trick gì mà chỉ là những noted mà c có được trong hành trình xây dựng lại profile và chia sẻ đến mng <3