#7 Hành trình tự học và thực hành SEO đạt được kết quả
Từ một người mới hoàn toàn, mình đã làm được rồi đấy :')
Chào bạn,
Tuần vừa rồi bạn có gì mới không? Mong rằng bạn luôn vui vẻ tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.
Sau quyết định nghỉ việc tuần trước, mình đang bước vào giai đoạn hệ thống và bàn giao lại công việc tại công ty.
Khi làm file bàn giao, mình cũng coi như đây là cơ hội để nhìn lại tất cả thành quả công việc đã tạo ra trong hơn 02 năm làm việc.
Thành quả của mình ở đây chỉ đơn giản là một bài post, một chiếc website hay các file data đầy số. Nhưng với mình, tất cả đều là chiếc cúp giá trị mà mình có được sau những buổi đêm ngồi mày mò đọc từng thuật ngữ chuyên môn, những buổi họp căng thẳng đấu tranh hay những buổi chiều tối ở lại làm thêm vài phút.
Trùng hợp là mình cũng từng có một vài ý tưởng viết bài từ lâu để ghi lại cách thức mình suy nghĩ, phương pháp mình đã sử dụng và kết quả mình đạt được khi làm việc.
Nên bức thư tuần này mình sẽ sử dụng ý tưởng trên như một phiên bản khác của file bàn giao mình đang làm. Mảng công việc đầu tiên mình chọn chia sẻ sẽ là SEO (Search Engine Optimization - Tối ưu hóa Công cụ Tìm kiếm).
Ở đây, mình sẽ không viết sâu về các kiến thức cơ bản như nhiều bài viết chuyên môn bạn từng thấy (bao gồm định nghĩa, thuật ngữ, cách làm…) mà sẽ chia sẻ lại theo hành trình mình đã trải qua với việc làm SEO tại công ty hiện tại.
Chính vì vậy, nếu bạn đang làm các công việc liên quan đến SEO/Marketing, cảm thấy một số kiến thức, thông tin mình chia sẻ khác biệt so với những gì bạn đang làm thì không sao cả.
Với mình, Marketing tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh xung quanh bao gồm cả thị trường, doanh nghiệp, sản phẩm, khách hàng và cả tư duy, cách thức tiếp cận của chính người thực hiện.
Bạn hãy coi như đang đọc một case study thực tiễn để tham khảo. Và mong rằng các thông tin mình chia sẻ có thể giúp bạn mở rộng nhiều góc nhìn, cung cấp thêm kiến thức và đặc biệt là tư duy khi làm các công việc liên quan đến Digital Marketing.

Hoàn cảnh của bản thân lúc đầu
Khi mình nghỉ việc tại Agency cũ và chuyển vào Đà Nẵng, mình cũng đưa ra một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến career path của bản thân lúc đó, chính là chuyển chuyên môn từ Designer sang Marketer.
Mình chấp nhận làm lại từ đầu, apply vào vị trí Junior Digital Marketer tại một công ty mới để có cơ hội học hỏi và chuyển tư duy từ hình ảnh thiết kế sang dữ liệu số hóa.
Mình cũng tự hiểu kĩ năng và kiến thức chuyên môn về Marketing của mình lúc đó không ổn. Điều mình tự tin chỉ là những kinh nghiệm mình đã có sau 03 năm thực hành liên tục bằng các dự án khác nhau cùng làm ở Agency với các đồng nghiệp khác mà thôi.
Vì vậy, khi bắt đầu làm việc tại công ty hiện tại và tự mình nghiên cứu, triển khai từng công việc nhỏ liên quan đến website, SEO hay quảng cáo trả phí, mình phải luôn nhắc nhở bản thân rằng mình đang là một người mới hoàn toàn, chưa có kinh nghiệm thực thi một mình, phải chấp nhận tự học và thực hành tất cả mọi thứ.
Khó khăn mình trải qua khi tiếp cận SEO như người mới hoàn toàn
Thời điểm nhận việc, website của công ty mình vừa được chỉnh sửa lại hoàn toàn mới.
Theo dữ liệu cũ, traffic chính đổ về website là traffic từ một số chiến dịch quảng cáo trả phí trên các nền tảng khác. Sau khi dừng chạy quảng cáo, traffic cũng dừng theo và chỉ lác đác một vài lượt tiếp cận mới từ nội dung trên social media.
Sếp mình lúc đó đã giao ngay cho mình nhiệm vụ chính là lên kế hoạch SEO cho website mới để tăng hiển thị trên các công cụ tìm kiếm, từ đó sẽ có một nguồn organic traffic (traffic không mất phí) ổn định cho website sau này.
Nếu như ở công ty cũ, mình có một team phụ trách SEO riêng với nhiều đồng nghiệp hỗ trợ từ lên kế hoạch, viết nội dung, chỉnh sửa lỗi kĩ thuật,…
Thì sang công ty mới, mình phải tự mình cân đo đong đếm tất cả công việc này và quan trọng là tự tìm cách thức phù hợp nhất với bản thân để vừa học vừa thực thi cho ra kết quả tốt nhất lúc đó.
Đến đoạn này, có thể bạn tự hỏi tại sao mình không tìm một khóa học SEO cấp tốc để áp dụng được ngay hay đề xuất với sếp tìm đối tác chuyên về SEO bên ngoài để họ phụ trách hết luôn.
Ngoài các lý do về hoàn cảnh và ngân sách của công ty mình lúc đó, thì từ chính bản thân mình cũng muốn nhận cơ hội này để được tự mình học lại tất cả về SEO và có thể áp dụng trực tiếp vào công việc đang làm.
Đây chính là mục tiêu mình muốn khi chuyển chuyên môn mới mà? Vậy thì sợ gì, cứ làm thôi.
Mình đã tự học về SEO như thế nào?
Mình sẽ chia thành 04 giai đoạn chính để tóm gọn lại hành trình này.
Giai đoạn 1: Học lại những thứ căn bản nhất
Lần đầu tiên mình tiếp xúc đến định nghĩa SEO và các thuật ngữ liên quan là ở Agency, khi làm cùng dự án với các bạn trong team SEO.
Hồi đó, góc nhìn của mình là người biết chứ không phải hiểu. Mình chỉ biết SEO là tối ưu các từ khóa để giúp website hiển thị trên Google, phải cần rất nhiều nội dung để từ khóa có thể leo top tìm kiếm,…
Rồi mình nhận ra cái mình biết chỉ là vỏ ngoài của kiến thức, mình đang không hiểu được cốt lõi vấn đề: Tại sao website cần phải làm SEO? Tại sao doanh nghiệp nào cũng đầu tư SEO?
Và để hiểu được tận gốc, chúng ta phải bắt đầu từ những định nghĩa cơ bản, nhỏ nhặt nhất. Tư duy này đã thay đổi mình hoàn toàn trong việc tiếp cận và tự học kiến thức mới.
Để học lại định nghĩa cơ bản về SEO, mình tìm chọn các nguồn học uy tín, có liên quan mật thiết đến các nền tảng tìm kiếm. Cụ thể là:
Tài liệu chính thức của Google Search
Blog, khóa học của Semrush - Ahrefs (hai công cụ SEO phổ biến nhất)
Nội dung trên Search Engine Land (trang thông tin nổi tiếng chuyên về công cụ tìm kiếm), GTVSEO - SEONGON (các agency chuyên SEO nổi bật ở Việt Nam).
Mình cũng tự tóm gọn, hệ thống, sàng lọc lại thông tin vào file cá nhân để lưu giữ lại các kiến thức cơ bản.
Nhờ đó, mình hiểu SEO không phải chỉ có tối ưu từ khóa mà còn bao gồm rất nhiều hoạt động sửa đổi khác trên website, SEO tập trung vào trải nghiệm người dùng chứ không phải chỉ chăm chăm vào hệ thống tìm kiếm,…
Giai đoạn 02: Nghiên cứu từ khóa (Keyword Research)
Từ khóa là một trong những trọng tâm cơ bản của việc làm SEO. Lý do vì thuật toán cốt lõi của Google hay các công cụ tìm kiếm khác luôn là phân tích ý nghĩa các cụm từ người dùng tìm kiếm và lọc nội dung của một website từ các từ khóa có liên quan, đánh giá thêm các yếu tố khác và cuối cùng là đề xuất kết quả tìm kiếm phù hợp.
Ở nhiều năm trước, bạn sẽ thấy một phương pháp tiếp cận phổ biến của người làm SEO là chọn ra một danh sách các từ khóa mục tiêu, sau đó chèn các từ khóa lên mọi vị trí trong nội dung.
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của nền tảng và công nghệ từng ngày, hiện nay các công cụ tìm kiếm liên tục cho ra các bản cập nhật mới để chống lại hình thức spam từ khóa vô tội vạ hay chỉ tập trung vào thao túng kết quả tìm kiếm.
Không người dùng nào muốn đọc một nội dung chỉ toàn các cụm từ lặp đi lặp lại khiến thông tin không rõ ràng, không giúp giải quyết vấn đề gì. Mình tin là bạn đã từng gặp trường hợp này ít nhất 01 lần khi tìm kiếm thông tin trên Google rồi.
Vì vậy, khi bắt đầu bước vào nghiên cứu từ khóa sẽ sử dụng cho website, mình không tập trung vào tìm các từ khóa hot hay được đề xuất bất kì trên các công cụ. Mà mình sẽ chú ý chính vào Search Intent - ý định tìm kiếm, mục tiêu cuối cùng của người dùng.
Cụ thể là đặt ra các câu hỏi như: Từ khóa này muốn tìm kiếm thông tin hay đang có nhu cầu mua sắm? Chọn từ khóa này thì nội dung viết theo phải đạt được mục tiêu gì?

Mình vẫn sử dụng các công cụ khác nhau để nghiên cứu từ khóa như sử dụng Semrush hay KeywordTool.io, cài đặt SEO extensions trực tiếp khi tìm kiếm, lọc từ khóa có sẵn trong Search Console…
Nhưng kết quả cuối cùng vẫn là chọn ra một danh sách từ khóa phù hợp nhất với thương hiệu, sản phẩm của công ty, đáp ứng đúng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng và có tiềm năng cạnh tranh với thị trường, đối thủ.
Mình cũng từng chia sẻ kĩ về cách mình làm audience research trong bức thư trước, bạn có thể tham khảo nhé:
Giai đoạn 03: Cải thiện các yếu tố on-page và tìm chiến lược nội dung phù hợp
Sau khi nắm và hiểu được các yếu tố cần tối ưu cho website để có kết quả từ SEO, mình bắt đầu chia các nhiệm vụ cần hoàn thành theo từng giai đoạn thời gian.
Ưu tiên của mình lúc đó là chọn ra các nhiệm vụ có ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả và tập trung hoàn toàn vào đó, chứ không đồng thời ôm đồm nhiều thứ khi chỉ có một mình. Và mình chọn tối ưu on-page và nghiên cứu kĩ phần nội dung.
SEO on-page chỉ tất cả yếu tố nằm trên website và có thể kiểm soát, chỉnh sửa được như tiêu đề, mô tả, bài viết, thiết kế, hình ảnh... Khi chỉnh sửa và cải thiện phần này, chúng ta đã đưa tín hiệu cho Google biết đây là trang web đạt tiêu chuẩn (nội dung tốt, thân thiện với người dùng, trải nghiệm khách hàng tốt...).
Mình nhớ hồi đó website của bên mình dù mới được chỉnh sửa giao diện lại nhưng có rất nhiều vấn đề on-page cần xử lý như phần tiêu đề (Title) và mô tả (Meta Description) chưa bao gồm từ khóa mục tiêu, các đề mục (Heading) trong từng bài lộn xộn, hình ảnh tải chậm và chất lượng thấp,…
Mình tự mày mò cách chỉnh sửa và lồng ghép từ khóa vào các nội dung phù hợp theo các Checklist SEO on-page mình tìm được. Bạn có thể tìm thêm trong các hội nhóm về SEO của Việt Nam hay nước ngoài, ở các trang Blog của chuyên gia mình ghi bên trên nhé.
Riêng phần nội dung thì mình có sự đồng hành của chị sếp và các bạn trong team Content riêng của công ty. Phần này luôn được chúng mình tập trung đầu tư công sức và thời gian nhiều vì theo lời sếp mình, “Nội dung (content) là công cụ hiệu quả nhất để thương hiệu giao tiếp với khách hàng, kể một câu chuyện tốt qua nội dung là bước đầu tiếp cận họ.”
Mình được chị sếp gợi ý một chiến lược content SEO gọi là Topic Cluster. Bạn cứ hình dung nó giống như một tấm mạng nhện được kết nối với nhau bằng các Topics. Phần chính giữa là Pillar Page nắm toàn bộ các nội dung tổng quan, tiếp theo là các Sub-topics đại diện cho từng nhánh nội dung nhỏ, mỗi Sub-topic là nhiều Cluster Content nhỏ.
Lý do chiến lược này phù hợp với website của chúng mình là ngành hàng mình đang làm nhìn chung khá rộng với nhiều ngách nhỏ liên quan.
Khi mình tạo nội dung và sắp xếp theo hệ thống mạng nhện liên kết với nhau như vậy, công cụ tìm kiếm khi crawl (cào) nội dung trên website sẽ dễ dàng tìm thêm các nội dung liên quan. Và khi tiếp cận được càng nhiều nội dung phù hợp thì thuật toán cũng đánh giá website có chuyên môn, kinh nghiệm thực sự ở thị trường này, từ đó dễ đề xuất kết quả tìm kiếm nhiều hơn.

Giai đoạn 04: Vượt qua áp lực ra kết quả nhanh, kiên trì và từ từ áp dụng thêm kiến thức được học
Sau giai đoạn trên, mình bắt đầu theo dõi hiệu quả định kì bằng các chỉ số chính như organic traffic từ search, organic keywords có xếp hạng (ranking) trong top,… qua các công cụ đo lường của Semrush và Google Search Console.
Nhưng không phải lúc nào kết quả cũng tốt đẹp cả, nhất là với người mới tập làm SEO như mình.
Sau 03 tháng tối ưu trước các yếu tố on-page, website của chúng mình đã gặp chông gai đầu tiên là nhiều từ khóa có ranking trong top đột ngột mất top dẫn đến lượng organic traffic đã ít lại càng ít đi :(
Khỏi nói lúc đó mình hoảng loạn như thế nào, mới vào công ty được vài tháng mà đã “báo” công ty rồi. Kết quả tăng thì chưa thấy mà còn sinh ra rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
Bây giờ nghĩ lại, mình tự cảm ơn chính bản thân lúc đó đã mạnh mẽ như thế nào. Sau thời gian ngắn bị sang chấn mỗi khi nhìn biểu đồ kết quả cứ giảm dần, mình đã tự ổn định lại tâm lý lúc đó.
Mình đi tìm bằng được lý do đằng sau sự tụt giảm này: Có phải do nội dung bên mình vi phạm quy định của Google? Một số phần mình sửa lần trước bị sai sót ở đâu hả?
Sau khi có góc nhìn tổng quan, mình cũng nhận định ngay vấn đề thật sự. Hóa ra là do việc điều chỉnh on-page và sắp xếp lại hệ thống nội dung theo chiến lược mới đã khiến công cụ tìm kiếm gặp khó khăn, giống như một ngôi nhà mới xây rộng quá chưa tìm được đường vào vậy.
Thêm vào đó, mình cũng tự vào các hội nhóm SEO để hỏi và đọc lại các case study tương tự của người đi trước.
Mình hiểu thêm được rằng SEO là một hành trình dài và liên tục, không thể ra kết quả nhanh như mình chạy quảng cáo được.
Nhưng nếu tiếp tục thực hành các giải pháp tối ưu phù hợp, kiên trì tạo ra nội dung đáp ứng đúng nhu cầu tìm kiếm của người đọc thì dần dần sẽ có kết quả, ngày càng tăng trưởng ổn định chứ không tốn nhiều công sức như giai đoạn đầu.
Nhờ đó, mình lại vừa học vừa thực hành, áp dụng trực tiếp các phương pháp tối ưu tiếp theo như link building, sửa kỹ thuật web,…
Sau 02 năm mình nhận được điều gì
Kết quả tăng trưởng trên 2000%, đạt KPIs từng tháng và quý
Sau tháng ngày kiên trì vượt qua những vấn đề lần đầu tự mình giải quyết, kết quả cũng không phụ lòng người cố gắng.
Đến hiện tại, website của chúng mình đã có một nguồn organic traffic đều đặn từ kết quả tìm kiếm, ngay cả khi dừng chạy quảng cáo.
Có nhiều tháng gần đây mình không tập trung vào SEO như thời gian đầu để chuyển sang các mảng công việc khác nhưng kết quả trả về vẫn ổn định.
Một kho thông tin và kiến thức SEO của riêng bản thân
Từ người mới hoàn toàn chưa hiểu rõ SEO là gì, đến bây giờ, mình không dám tự nhận là chuyên gia về SEO nhưng mình tự tin có thể liệt kê các thuật ngữ cơ bản của SEO, biết được các bước để triển khai một dự án SEO website,…
Cũng nhờ việc tự học và tìm tòi trên mọi mặt trận, mình cũng tự có cho bản thân một kho tài liệu, thông tin từ các nguồn làm Marketing đúng đắn và chuẩn chỉnh.
Đoạn kết
Viết đến đây đã gần 3000 từ rồi nhưng mình rất vui vì các kinh nghiệm làm việc của bản thân trong thời gian qua đã được đúc kết và hệ thống cụ thể.
Có câu hỏi hay thắc mắc nào cần làm rõ về thuật ngữ, cách thức mình đã làm thì đừng ngại ngần phản hồi luôn với mình nhé.
Đừng quên là tất cả những gì mình viết bên trên đều là trải nghiệm thực sự của bản thân mình trong các năm qua, nếu bạn muốn chia sẻ ra ngoài thì hãy nhắn trước cho mình.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây.
Ly Bui
Đấy, c đã làm được rồi đấy. C chứng minh cho họ thấy. Trái tim của c đã không đổi thay trước những đắng cay, c đã làm được điều đó <3