#12 Tại sao bạn chọn Marketing?
Bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân tại sao bạn chọn nghề nghiệp hiện tại chưa?
Chào bạn,
Mình lại gặp nhau qua bức thư hàng tuần rồi. Mình rất hào hứng được kể lại cho bạn nhiều điều vừa trải qua với mình trong tuần vừa rồi. Nếu bạn cũng có chuyện muốn kể thì cứ tự nhiên nhắn tin cho mình nhé, mình nghe hết.
Như cập nhật từ các bức thư trước, mình đã chính thức nghỉ việc tại công ty cũ ở Đà Nẵng và theo đuổi hành trình mới trên con đường sự nghiệp.
Quyết định này không phải bất ngờ xuất hiện mà là một quá trình phân tích, định hướng, lên kế hoạch cá nhân của mình từ 3 đến 6 tháng trước đó. Bạn có thể đọc thêm ở bức thư này:
Sau thời gian chuẩn bị cho việc tìm nơi chốn mới, nghiên cứu từ nhiều nguồn và thêm chút may mắn, mình đã chính thức có được offer công việc mới và đi làm chính thức từ đầu tuần rồi.
Tuy nhiên, tuần này mình chưa thể chia sẻ về hành trình có được công việc mới vì mọi thứ đang khá lộn xộn cộng thêm thời gian gấp rút quá. Mình sẽ hẹn bạn vào bức thư tuần sau nhé.
Chủ đề bức thư hôm nay cũng lấy ý tưởng từ một trải nghiệm gần nhất với mình. Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn mình nhận được từ chị Founder của thương hiệu mình vừa mới gia nhập.
Trước khi nhận câu hỏi này, mình cũng được hỏi về Điểm mạnh và Điểm yếu của mình trong ngành Marketing. Khi nói đến Điểm yếu, mình đã trả lời rằng:
“Có nhiều người không coi nó là Điểm yếu nhưng với em nó là Điểm yếu. Đó là em là Kiểu người Behind-the-scenes. Em không thích cảm giác show off, thể hiện bản thân, trông lồng lộn như nhiều hình ảnh Marketer thường thấy. Em muốn là người ở phía sau để hỗ trợ, tạo ra quy trình, thấu hiểu các giai đoạn và đạt kết quả có ý nghĩa thực sự. Đó là điểm yếu của em vì nó giảm sức ảnh hưởng và khả năng thành công của em trong ngành.”
Nối tiếp câu trả lời này, chị Founder hỏi tiếp, “Vậy tại sao em lại chọn Marketing?”. Bức thư này mình muốn cùng bạn đi tìm câu trả lời.
Các chia sẻ dưới đây đều dựa theo suy nghĩ cảm nhận của riêng mình, người đã làm trong ngành Marketing 05 năm, nên có thể khác biệt tùy hoàn cảnh. Bạn hãy đọc theo tâm thế tìm hiểu xem Marketing có phù hợp với chính bản thân bạn như thế không nhé. Mong là có ích!
Sự kết hợp giữa não trái và não phải
Chắc bạn đã từng nghe đến Split-brain Theory của Roger Sperry, chia bộ não con người thành 02 bán cầu hoạt động độc lập và có chuyên môn riêng:
Bán cầu não trái thường liên quan đến logic, tư duy phân tích, ngôn ngữ và toán học.
Bán cầu não phải thường liên quan đến sự sáng tạo, trực giác, nhận thức không gian và khả năng nghệ thuật.
Học thuyết này nổi đến mức mà trong rất nhiều cuộc trò chuyện liên quan đến chủ đề hướng nghiệp hoặc thấu hiểu bản thân, ít nhất 01 người sẽ hỏi mình thiên về não trái hay não phải hơn.
Vì thế mà mình đã bị ảnh hưởng và luôn suy nghĩ theo hướng bản thân là kiểu người độc lập, thuộc về một bán cầu não cụ thể.
Mình cũng thấy khá nhiều bạn làm trong ngành Marketing tương tự giống mình lúc trước:
“Em thích các ý tưởng bay bổng, sáng tạo nên em muốn làm Marketing để được tự mình tạo ra các chiến dịch mới lạ, ấn tượng ạ.”
“Tớ không giỏi về số liệu hay toán học đâu cậu ạ, cho tớ làm công việc thiên về Creative thôi.”
“Em yếu mấy thứ vẽ vời sáng tạo này lắm, chị cho em chạy Ads thôi được không?”
Đối với mình, Marketing là sự kết hợp giữa “nghệ thuật” và “khoa học”, “trực giác” với “chiến lược”, “sáng tạo” với “dữ liệu”, “cảm xúc” với “lý trí”.
Tương tự như câu nói nổi tiếng của Philip Kotler, cha đẻ của Marketing hiện đại, đã định nghĩa rằng:
“Marketing is the science and art of exploring, creating, and delivering value to satisfy the needs of target market at a profit.”

Vậy nên làm Marketing với mình rất thú vị.
Nếu chỉ tập trung vào các con số, thuật toán, dữ liệu nền tảng cung cấp hàng ngày mà không có sự kết nối đến tâm lý, hành vi, cảm xúc của những con người sau màn hình, thì đó là một cách tiếp cận thất bại.
Ngược lại, nếu chỉ chú ý vào những hình ảnh rực rỡ, ngôn từ sắc nét tạo cảm xúc cho người xem nhưng không sử dụng dữ liệu để đo lường, thử nghiệm các hướng khác nhau thì giống như đi trên đường mà không có điểm kết thúc vậy.
Một người Marketer hiện đại phải cố gắng phát triển cả hai bán cầu não làm việc cùng nhau thì mới đưa ra được các quyết định đúng đắn, tạo ra những chiến lược Marketing vừa hiệu quả vừa mang lại ảnh hưởng sâu rộng.
Người tạo ra sự thay đổi
Mình đang đọc cuốn "This is Marketing” của Seth Godin, cũng là một nhà tiên phong cho tư tưởng Marketing hiện đại, và mình đồng ý với hầu hết quan điểm tác giả chia sẻ trong sách.
Vào các năm đầu tiên làm Marketing, các cụm từ mình nghe được nhiều nhất ở chỗ làm đó là: “doanh thu”, “kiếm tiền”, “đẩy sale”.
Lúc đó mình đã tự hỏi rằng, công việc hàng ngày của mình là chạy quảng cáo và kiếm ra nhiều tiền nhất có thể à, mình phải kiếm tiền bằng bất kì giá nào như vậy sao?
Sau đó khi chuyển công ty và bắt đầu tập trung vào việc làm Marketing cho brand nước ngoài, mình được tiếp xúc với các cách tiếp cận mới từ Marketers quốc tế có tư duy chuẩn chỉnh hơn.
Cụ thể, Marketing không chỉ là quảng cáo và bán hàng, mà là việc kết nối và tạo giá trị thực sự cho khách hàng.
"...Marketing đòi hỏi phải kể những câu chuyện chân thật mang đến sự đồng cảm và có sức lan tỏa. Những người làm Marketing đưa ra giải pháp, cơ hội để mọi người tháo gỡ những vấn đề của họ và bước tiếp." (trang 26)
"Những người làm Marketing không lợi dụng người tiêu dùng để giải quyết rắc rối của công ty, họ sử dụng Marketing để tháo gỡ vấn đề cho người khác." (trang 36)
"Marketing là công cụ tìm kiếm nhằm tạo ra thay đổi đối với những người mà chúng ta phục vụ. Chúng ta làm điều đó bằng cách thấu hiểu những động lực vô lý đang định hướng mỗi người trong chúng ta." (trang 46)
Theo đuổi cách làm Marketing đúng đắn, tìm ra các sản phẩm có ích, mang đến những giải pháp phù hợp, tạo ra các giá trị thực cho khách hàng. Đó chính là một trong các lý do mình muốn tiếp tục làm Marketing.
Không có công thức nào là tuyệt đối
Hồi còn làm Agency, mình phải làm việc đồng thời với rất nhiều brand khác nhau đủ mọi thị trường, tệp khách hàng, sản phẩm.
Lúc đó còn làm việc theo bản năng, mình đơn giản chỉ nghĩ công ty mình đã tạo ra một công thức thành công rồi thì cứ việc áp dụng công thức đó cho các brand khác thôi.
Vẫn là testing A/B như này, chạy ads budget bằng này, sản xuất XX video, đăng XX post lên social media,…
Nhưng không, mình gặp thất bại ngay lập tức với công thức đó khi chuyển sang làm brand mới với sản phẩm khác hẳn, tệp khách hàng đa dạng, thị trường cạnh tranh hơn.
Rồi càng làm nhiều, mình càng chắc chắn hơn về việc làm Marketing phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh xung quanh.
Chỉ cần thị trường có thay đổi nhỏ, người tiêu dùng có thêm thói quen, đối thủ của bạn mới ra sản phẩm,… tất cả đều là yếu tố tác động đến hiệu quả của Marketing. Nên không có công thức Marketing nào là tuyệt đối với mọi công ty cả.
Cũng vì vậy, khi làm Marketing, bạn chấp nhận việc phải thay đổi hàng ngày, cập nhật thường xuyên. Sẽ luôn có vấn đề xảy ra, các bài toán Marketing càng ngày càng khó, còn bạn thì cứ lao đầu vào tìm lời giải.
Đối với riêng mình, mình thích thử thách với những bài toán này. Khi đi làm, mình thấy bản thân được update liên tục, có nhiều trải nghiệm hơn để khám phá, mở ra nhiều cơ hội và bài học mới.
Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi phỏng vấn hôm đó mình đã nói với chị Founder.
Tổng kết
Mỗi cá nhân sẽ có cho mình ít nhất một lý do để hợp lý hóa sự lựa chọn của bản thân. Nhưng dù nghĩ đến lý do nào, hãy bắt đầu từ chính bản thân ta.
Chỉ chính ta mới hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Tại sao mình làm như vậy? Tại sao mình quyết định như thế kia?
Thử dành thời gian ngẫm nghĩ các lý do này, bạn sẽ mở ra nhiều góc nhìn mới về bản thân, về cách bạn nhìn cuộc sống hiện tại đó.
Đến đây là hết rồi, mong các suy nghĩ trên sẽ tiếp cận được một bạn nào đó đang loay hoay trong các công việc về Marketing như mình của ngày trước.
Tuần sau mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về dự định và cách tìm kiếm công việc mới nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc hết.
Ly Bui